Kinh tế du lịch đã và đang chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, lợi ích ngành kinh tế du lịch mang lại là rất lớn, không chỉ dưới góc độ đóng góp vào GDP, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, mà nó còn là phương thức để kết nối – giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện trong các mối quan hệ song phương, đa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và những vấn đề chung hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ có tác động thúc đẩy sự phát triển, đồng thời cũng tạo ra các cơ hội và thách thức đối với kinh tế du lịch Việt Nam.
Môn học cung cấp cho sinh viên các khái niệm cơ bản về kinh tế du lịch, các bộ phận cấu thành của ngành du lịch, các vấn đề cơ bản của thị trường du lịch. những biến số kinh tế du lịch cơ bản như đầu tư ngành du lịch, việc làm trong du lịch, tiêu dùng trong du lịch…Môn học củng trang bị cho sinh viên các kiến thức đánh giá tác động qua lại giữa ngành du lịch và nền kinh tế, các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế trong kinh doanh du lịch.
Song song đó, học phần có tích hợp giảng dạy các kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề và kỹ năng mềm như: giao tiếp và làm việc nhóm.
Mục tiêu chính của học phần này nhằm trang bị cho sinh viên:
- Nắm vững các khái niệm về du lịch và kinh tế du lịch, các điều kiện để phát triển du lịch, thời vụ du lịch, các biến số kinh tế du lịch cơ bản …
- Nhận ra được tầm quan trọng của ngành du lịch trong nền kinh tế của quốc gia và địa phương, ảnh hưởng của ngành du lịch đến các ngành khác
- Xác định các vấn đề cơ bản cung cầu du lịch, các yếu tố tác động đến cung cầu của thị trường du lịch, môi trường kinh doanh du lịch, cạnh tranh trong kinh doanh du lịch.
- Đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế kinh doanh du lịch.
- Rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy giải quyết các vấn đề du lịch tác động đến nền kinh tế, ý thức được nhiệm vụ học tập và tự học suốt đời.